Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có nhiều điểm mới trong cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. TS. Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế) cho rằng, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lần này là một bước tiến phù hợp với Luật Ðiện lực hiện hành (quy định giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng) và kỳ vọng sẽ góp phần quản lý giá điện “có lên, có xuống”, công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Còn theo TS. Bùi Huy Phùng (Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam) thì đây là kết quả bước đầu của “tái cơ cấu” giai đoạn 2017 – 2020.
Quyết định 24/2017/QÐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (thay thế Quyết định 69/2013/QÐ-TTg) có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/8/2017 và được thể hiện qua đồ họa sau.
Đồ họa cơ chế điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24/2017.
Quyết định 24/2017 của Chính phủ quy định: Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện do Bộ Công Thương ban hành hàng năm và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân.
Trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm. Trong đó, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, EVN xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM