Dự thảo quy hoạch điện VIII được Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua với số phiếu cao.
Ngày 26/4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII). Đây là quy hoạch quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, quá trình hoàn thiện quy hoạch điện VIII trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy hoạch điện trước đây. Theo đó, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước.
Quy hoạch lần này đã khắc phục được tồn tại về cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo và không phát triển hệ thống truyền tải liên miền đến năm 2030. Mặt khác, quy hoạch cũng phát huy hài hòa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tổng thể cân đối chung và cơ bản đảm bảo cân đối giữa các nguồn điện, giữa vùng, miền...
Sau thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá với đa số phiếu nhất trí thông qua quy hoạch điện VIII.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.
"Tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch điện VIII. Không được biến quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật", Phó thủ tướng lưu ý.
Ông yêu cầu Bộ Công Thương phải xây dựng một kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch theo lộ trình.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định về dự thảo quy hoạch điện VIII
Góp ý kiến trước đó, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ, đánh giá quy hoạch điện VIII lần này được xây dựng cẩn thận và tới giờ đã là phương án thứ 6 được đưa ra.
Ở phiên bản tháng 4/2022 có thêm hai kịch bản mới, trong đó có chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. TS Kiệt cho rằng đây là kịch bản đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được.
Ngoài ra, dự thảo quy hoạch lần này cũng thêm kịch bản nữa là tính toán khả năng nếu nguồn điện thiếu, chậm thì điều hành như thế nào. "Quy hoạch đã cập nhật dữ liệu về điện gió gần bờ, xa bờ,... nhưng cần có khảo sát, đánh giá riêng, chứ không chỉ cập nhật con số của các tổ chức quốc tế", TS Ngô Tuấn Kiệt góp ý.
Theo dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương cập nhật vào tháng 4/2022, phương án điều hành chuyển đổi năng lượng đáp ứng được cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hệ thống điện được chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh, sạch. Nhưng nhược điểm của phương án này là chi phí đầu tư cao và giá thành sản xuất điện đến năm 2045 tăng khoảng 30% so với phương án điều hành đưa ra vào tháng 3/2022.
Phương án này được khuyến nghị lựa chọn trong phát triển điện lực của Việt Nam khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để hướng tới mục tiêu giảm phát thải chung của toàn thế giới.
Ở khía cạnh khác, PGS. TS Phạm Hoàng Lương, Uỷ viên phản biện của Hội đồng nói dự thảo quy hoạch điện VIII lần này đã "mở cơ hội cho điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi".
Ông đề nghị cần sớm có quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2045 về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và năng lượng đại dương một cách bền vững.
Dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021, nhưng phương án tính toán thời điểm đó không được chấp thuận do vẫn còn một số bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý... Việc này dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng rất lớn.
Thủ tướng sau đó yêu cầu Bộ Công Thương tính toán lại phương án, cập nhật các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Hơn 20 cuộc họp bàn, góp ý về dự thảo quy hoạch điện VIII đã được Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.
Gần nhất, tại hội nghị với các địa phương ngày 15/4, các ý kiến góp ý đều thống nhất với các tiêu chí đưa ra tại phương án cập nhật được Bộ Công Thương trình đầu tháng 4, về tổng công suất nguồn đặt, cơ cấu nguồn điện, lộ trình chuyển đổi năng lượng và phân bổ nguồn điện tại các vùng miền...
Nguồn https://vnexpress.net